Sói's Blog

About

iklan banner

Thứ Hai, 28 tháng 11, 2016

Phạm Thành Lương: Dị mà không dị

Em chào anh Khanh

Tôi bất giác cảm thấy rùng mình khi đọc tới những dòng này trong cuốn sách của nhà báo Phan Đăng. Số là khi đang ngồi uống nước cùng đồng đội, Thành Lương bất giác thấy cựu danh thủ Thạch Bảo Khanh đi ngang qua, mọi người ngồi im bất động, nhưng riêng Quả bóng vàng Việt Nam đã đứng dậy chào người huynh trưởng ngoan ngoãn hệt như một cậu bé chào người lớn vậy.


Lương "dị", cầu thủ tài năng và đức độ bậc nhất của bóng đá Việt
Để nói về Thành Lương, báo chí đã kể quá nhiều về cuộc đời của anh rồi, còn nếu có ai mong muốn điều đó, hãy để dành về sau khi chúng tôi nghiên cứu kỹ lưỡng hơn sẽ viết riêng về anh một câu chuyện hoàn chỉnh. Giờ xin mạn phép để người viết có thể dùng chữ “dị” mà phóng tác nên một Thành Lương ở góc cạnh riêng biệt.

Lương “dị mà không dị”? Tại sao lạ vậy, dị thì dị, không là không, sao lại có cái kiểu nước đôi ấy?

Lương thì “dị” thật rồi, đó là điều ai cũng thừa nhận. Bản thân Lương cũng không hề phiền lòng gì về cái biệt danh đã gắn theo cái tên của mình từ thuở còn tung hoành trên mặt sân phủi. Người ta nói anh “dị” bởi anh có một chân ngắn hơn chân kia tầm 1cm, cái tật khá giống với cố huyền thoại Garrincha vậy. Và nhân nói về Con chim hồng tước, thì ở Lương có lối đi bóng hao hao huyền thoại Brazil. Anh che bóng khi đối phương áp sát, sử dụng một chân làm trọng tâm và chân kia thoăn thoắt qua lại với hàng loạt động tác giả, rồi ngay sau đó là một pha đảo người qua mặt đối phương để bứt tốc và tạt vào cho đồng đội, hoặc sút một cú trời giáng với cái lòng trong chân trái cực dẻo.

Lớn lên một chút, khi được bước chân vào giới chuyên nghiệp, Lương tiếp tục cho thấy cái “dị” của mình. Anh từng tâm sự rằng, thuở ban đầu vào nghề không ai tin anh là cầu thủ cả. Cái thân hình nhỏ thó với chiều cao có hơn 1m60 tí xíu và cân nặng chưa đầy 60kg khiến mọi người hoài nghi về khả năng tranh chấp của anh. Ấy vậy mà Lương đã cho thấy rằng vẻ bề ngoài không là vấn đề gì khi mình có cái lửa ở bên trong. Lương không đủ sức để chạy trên sân hết 90 phút, nhưng mỗi giây góp mặt anh chạy hết cả trăm phần trăm sức lực của mình, không hề có một thái độ xao nhãng hay giữ sức gì cả. Lương thi đấu mọi trận đấu như thể trận cuối cùng của mình.

Những trận bóng phủi là bệ phóng cho Thành Lương

Có lẽ bởi thế mà anh lại có thành tích cũng “dị” không giống ai: mới 22 tuổi được gọi lên đội tuyển quốc gia và ngay lập tức trở thành quân bài tủ mang về chiếc cúp vàng khu vực cho đoàn quân của thầy “Tô”. Và một năm sau, Lương vượt qua những cái tên nổi bật như Vũ Phong hay Tấn Trường để đoạt Quả bóng vàng Việt Nam đầu tiên, trong khi Hà Nội ACB, đội bóng mà anh đang đầu quân đang thi đấu ở… giải Hạng Nhất.

Lên tầm ngôi sao, Lương còn thể hiện cái “dị” của mình rõ ràng bội phần hơn nữa. Nhưng không còn là “dị” ở cái phong cách thi đấu hay tinh thần trên sân bóng mà bởi cái cách anh đối nhân xử thế rất đỗi tình nghĩa ở trong thời đại kim tiền thời nay. Suốt bao nhiêu năm chinh chiến, anh không bao giờ rời chân khỏi thủ đô nửa bước, Lương chơi cho hai câu lạc bộ lớn nhất của Hà Nội. Năm 2009, anh đoạt Quả Bóng Vàng nhưng vẫn ở lại Hà Nội-ACB thi đấu ở giải Hạng Nhất. Trong thời đại mà cầu thủ thay câu lạc bộ như thay áo, một ngôi sao như Lương có thể dễ dàng tìm bến đỗ mới tốt đẹp hơn, nhưng anh vẫn quyết một lòng trung thành với nơi cưu mang mình để cùng họ đi tiếp những thăng trầm. Cho đến cái ngày hơi thở của Bầu Kiên không còn thổi vào nuôi sống nổi câu lạc bộ, Lương mới phải ra đi vì đó là điều tốt nhất anh có thể làm với nơi đây.

Nói về thế hệ tài năng, ai cũng nhớ đến lứa thế hệ vàng, nơi mà những con người không chỉ có đẳng cấp thuộc hàng đỉnh cao nhất trong lịch sử bóng đá nước nhà, mà ở đó còn là những cái tên đã được gắn liền với vùng miền khi sự trung thành được đặt lên hàng đầu. Huỳnh Đức cả tuổi thanh xuân gắn liền với cái tên Công An Thành Phố Hồ Chí Minh, Hồng Sơn gửi gắm những ngày đỉnh cao của mình với sự thăng trầm của Thể Công, Nguyễn Văn Sỹ với nỗi trăn trở với bóng đá Nam Định, Trần Công Minh đưa Đồng Tháp thành thế lực của bóng đá quốc nội, Nguyễn Hữu Thắng hy sinh cả bản thân vì sự thành công của của bóng đá xứ Nghệ. Và đó lại chứng minh một lần nữa: cái “dị” của Lương không phải đại diện cho cái truyền thống tốt đẹp của đàn anh hay sao?

Giành nhiều vinh quang nhưng Lương vẫn luôn trung thành với Hà Nội ACB

Bên cạnh sự trung thành, Lương còn nổi tiếng “dị” bởi cái sự khiêm nhường của một ngôi sao bóng đá, như cái cách mà anh chào bậc đàn anh. Có thể những đồng đội xung quanh không để ý hay ngại ngùng khi gặp Thạch Bảo Khanh đi ngang qua, nhưng Lương bằng cái suy nghĩ trong sáng của bậc đàn em nể trọng anh cả đã không ngần ngại mà đứng lên chào. Cái đức tính mà người thầy của anh từng thừa nhận là “quê quê” như vậy đấy. Nhưng cái “không dị” của Thành Lương lạ một điều cũng từ câu chuyện này mà nó chỉ cho ta thấy được.

Hành động đó cũng giống như câu chuyện mà trung phong huyền thoại của Sở Công Nghiệp, Quang Đức Vĩnh từng chia sẻ. Trong một trận cầu trên sân Hoa Lư, khi trọng tài vừa nổi hồi còi mãn cuộc, Quang Đức Vĩnh và Võ Thành Sơn đang trên đường vào hầm thì có hai người xuống chào và bắt tay họ. Đó chính là anh em Nguyễn Thế Anh-Nguyễn Cao Cường, hai danh thủ ở Bắc Bộ vì quý mến cái tài hoa của cặp tiền đạo Sài Gòn mà tới tận Ninh Bình để thể hiện sự kính trọng của mình. Thế đấy, cái “dị” của Lương nó chính là cái tình yêu mến anh em đồng nghiệp của giới cầu thủ Việt Nam, cái tình huynh đệ trong sân cỏ giữa các thế hệ nơi ươm mầm tài năng bóng đá Việt.

***

AFF Cup 2008, khi mà giấc mơ vàng của người dân Việt Nam sớm lung lay sau thất bại mở màn trước Thái Lan, chính đôi cánh Thành Lương - Vũ Phong đã giúp thầy trò Calisto bay ra khỏi tâm bão. “Trận đấu mà ông trời muốn chúng ta thắng”, đó là những gì chàng tiền vệ gốc Hà Tây cũ nói về chiến thắng trước Malaysia, chiến thắng đã kéo đội tuyển khỏi cái áp lực ghê gớm sau trận ra quân thua toàn diện trước người Thái.

Đó cũng giống như điềm báo về một giải đấu mà tuyển Việt Nam đã thi đấu quật cường. Tấn Tài ngã sóng soài trên thảm cỏ trong pha phản công ở trận chung kết với Thái Lan, Minh Châu suốt cả trận đấu đeo bám Thonglao như hình với bóng, hay những đôi chân không biết mệt mỏi của Công Vinh, Quang Hải chạy trước trùng vây hậu vệ Singapore. Và dĩ nhiên, sẽ chẳng thể thiếu những pha đi bóng rất “dị” của một đôi chân lệch bên hành lang cánh. Từ phút giây đăng quang tại Mỹ Đình, cho tới khi mang bông băng lên khái đài khi CĐV bị hành hung tại Shah Alam 2 năm trước, Thành Lương vẫn cứ lặng lẽ đi theo những thăng trầm của đội tuyển.

Hattrick QBV Việt Nam, thành quả xứng đáng cho Lương dị

Và cuối cùng là ngày hôm nay, cái “dị” về vóc dáng nhỏ bé của Thành Lương nó cũng đại diện cho cả đội tuyển Việt Nam tham dự kỳ AFF lần này. Nơi những Công Vinh, Văn Toàn, Xuân Trường, Văn Thanh, Nguyên Mạnh hay kể cả Thành Trung, Đình Tùng cũng không hơn anh là bao về thể trạng. Nhưng chính họ đang tìm cách để giúp đội bóng Việt Nam thi đấu với cái bản sắc đúng với sắc vóc nhỏ nhắn của con người nước Nam này, một lối chơi kỹ thuật nhuần nhuyễn với cái đầu tinh quái cùng đôi chân nhanh nhẹn để tìm đường hướng đến khung thành đối phương.

Cái “dị” của Thành Lương nó đặc biệt như thế đấy. Nó có thể “dị” trong một thời đoạn nào đó trong dòng thời gian, nhưng lại đại diện cho xuyên suốt cả dòng lịch sử biết bao thăng trầm và bao thế hệ cầu thủ nước nhà. Là truyền thống tốt đẹp về cái tình anh em, cái nghĩa cưu mang, tinh thần thi đấu, lối chơi trên sân cỏ của những người con đất nước hình chữ S. Dị mà không dị.

Trong một giải đấu mà người ta nói nhiều tới cái kết của Lê Công Vinh hay sự trỗi dậy củaLương Xuân Trường, vẫn có một cầu thủ lặng lẽ cống hiến cho màu cờ sắc áo. Hễ anh vào sân là chạy hết mình, và hễ anh vào sân là đội tuyển có bàn ấn định tỷ số. Vẫn là cái bóng nhỏ nhắn quen thuộc, đôi chân lệch làm nên những pha bóng cực “dị”, và vẫn cái tên đã quá đỗi quen thuộc đằng sau lưng – Phạm Thành Lương.

Những chiến thắng của tuyển Việt Nam vẫn có hình bóng của Thành Lương